NGHỊ QUYẾT
Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh
giai đoạn 2019 - 2025
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2009 - 2019
Thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2009 - 2019 trên địa bàn huyện Đơn Dương đạt nhiều kết quả, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Đơn Dương đã thật sự đổi mới và nâng cao về chất; nền nông nghiệp, của huyện được cơ cấu hợp lý gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; chuỗi giá trị trong sản xuất được hình thành và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2009 - 2019 đạt 13,1%/năm; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 200 triệu đồng/ha, góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 62,3 triệu đồng. Giai cấp nông dân và cư dân nông thôn không ngừng được quan tâm chăm lo phát triển toàn diện, có nhận thức tốt về chính trị, văn hóa, xã hội; có liên kết cộng đồng thân thiện, bền vững, cùng tiến bộ; có khả năng sử dụng, khai thác tư liệu sản xuất tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Diện mạo nông thôn thật sự đổi mới với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường sinh thái, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ổn định, bền vững và phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt nông thôn, nông nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên([1]); vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của nhân dân được phát huy. Giai đoạn 2009 - 2019, đã đầu tư 6.044 tỷ 872 triệu đồng([2]) từ các nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đầu tư xây dựng các công trình về giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa - y tế, giáo dục; các cơ sở dịch vụ chuyên kinh doanh và cung cấp các vật tư, thiết bị, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên dùng, hiện đại góp phần hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 01 tháng 9 năm 2015 huyện Đơn Dương đã được thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới theo tiêu chí giai đoạn 2010 - 2015 và đã được chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn những mặt khó khăn và hạn chế, khuyết điểm như: Tuy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát triển mạnh nhưng thiếu hệ thống và chưa theo quy hoạch. Quy mô, tính chất trong tổ chức các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ còn thấp, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh chưa cao. Trong nông dân còn tồn tại một bộ phận có khó khăn về nhiều mặt, chất lượng cuộc sống tuy được cải thiện và nâng cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thời đại. Diện mạo nông thôn tuy phát triển nhưng kết cấu hạ tầng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống trong giai đoạn mới; giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở một số nơi còn tiềm ẩn khó khăn.
Phần thứ hai
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
THEO HƯỚNG THÔNG MINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025.
1. Quan điểm
- Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo hướng thông minh là cơ sở điều kiện đưa năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất tăng cao trên mức quy chuẩn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập. Trong thực hiện, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) làm nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững.
- Xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của nhà nước và công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; chủ động sáng tạo trong vận dụng những cơ chế, chính sách của nhà nước kết hợp với huy động đa dạng các nguồn lực, phù hợp với sự đóng góp của nhân dân, đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng dân cư.
- Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh cần đảm bảo tính hiệu quả, thực chất, không chạy theo thành tích; kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng huyện Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, có nền sản xuất phát triển dựa trên các tư liệu sản xuất tiên tiến hiện đại, tạo ra sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trong nước và hướng đến xuất khẩu góp phần nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các tầng lớp nhân dân, giai cấp nông dân có nhận thức tốt về chính trị, về văn hóa xã hội, có khả năng và điều kiện phát triển toàn diện. Diện mạo nông thôn thật sự đổi mới, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường phát triển đồng bộ, hiện đại có đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh; môi trường sống văn minh, sạch đẹp thân thiện; an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo đáp ứng nhu cầu về phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a. Đến năm 2020
- Có 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với rau, hoa và chăn nuôi bò sữa (đối với sản xuất thức ăn, quy trình kỹ thuật nuôi) được ứng dụng CNC theo hướng thông minh.
- Mỗi xã có ít nhất 01 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả, trên địa bàn huyện có ít nhất 01 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận.
- Có ít nhất 05 mô hình doanh nghiệp/trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh.
- Giá trị sản xuất bình quân 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 220 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người.
- Có 6/8 xã (đạt 75% số xã) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Thạnh Mỹ đạt chuẩn đô thị văn minh.
- Có 03 xã: Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh.
b. Đến năm 2025
- Có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với rau, hoa và chăn nuôi bò sữa (đối với sản xuất thức ăn, quy trình kỹ thuật nuôi) được ứng dụng CNC theo hướng thông minh.
- Mỗi xã có ít nhất 02 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả; trên địa bàn huyện có ít nhất 03 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận.
- Có ít nhất 10 mô hình doanh nghiệp/trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh.
- Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 240 triệu đồng trở lên; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người.
- Có 08/08 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 05 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh (tăng 02 xã so với năm 2020, gồm xã: Tu Tra, Đạ Ròn); 02 thị trấn Thạnh Mỹ và Dran đạt chuẩn đô thị văn minh
3. Nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp CNC theo hướng thông minh
- Bám sát quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó tiếp tục rà soát, lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng các vùng trên địa bàn huyện đáp ứng những yêu cầu về xây dựng NTM, đảm bảo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa và đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn có tính toàn diện, bền vững, hiện đại.
- Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Kết luận số 22-KL/HU ngày 19/3/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân huyện trên lĩnh vực tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình thực hiện, cân đối nguồn lực đầu tư và đánh giá thường xuyên những cơ hội, thách thức, tác động để điều chỉnh kế hoạch thực hiện phù hợp với sự phát triển.
- Thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huy động nguồn lực đầu tư từ các nguồn để đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện, kho chứa, điểm tập kết và tiêu thụ nông sản đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và kết nối giữa các nội vùng, liên vùng.
- Tăng cường tái cơ cấu ngành kinh tế, chuyển đổi các hình thức, phương thức sản xuất mới theo hướng tiên tiến, hiện đại và hiệu quả. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về liên kết 5 nhà: Nhà nước - Nhà đầu tư (Doanh nghiệp) - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà bank (Ngân hàng). Trong đó, Nhà đầu tư (Doanh nghiệp) có vai trò chủ động trong việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
3.2. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn
- Chú trọng phát triển tổ chức sản xuất theo các hình thức trang trại, Hợp tác xã, Tổ hợp tác; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ chức, nông dân với doanh nghiệp; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực về tổ chức, quản lý, tiếp cận thị trường; hỗ trợ hạ tầng, đất đai, vốn, vật tư sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.
- Hình thành các HTX, THT hoạt động đa chức năng ở địa bàn nông thôn nhằm góp phần cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất, tổ chức tiêu thụ hoặc đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, THT nông nghiệp, đến năm 2020 trên địa bàn huyện hình thành ít nhất 01 mô hình HTX sản xuất lớn, điển hình để nhân rộng, mỗi xã có 01 đến 02 HTX và 02 đến 03 THT trong sản xuất nông nghiệp.
- Củng cố các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với phát triển mô hình về trang trại chương trình mỗi xã một sản phẩm trong sản xuất rau, hoa, chăn nuôi bò sữa, đến năm 2020 mỗi xã có ít nhất 01 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, toàn huyện có trên 120 trang trại và năm 2025 mỗi xã có ít nhất 02 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, ưu tiên hổ trợ trong lĩnh vực chế biến các loại hình nông, lâm sản, dịch vụ. Phấn đấu mỗi năm thành lập được trên 30 doanh nghiệp để tham gia quá trình sản xuất và giải quyết việc làm.
3.3. Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu trong sản xuất, chế biến
- Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, gắn với sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hầu hết các khâu của quy trình sản xuất như giống, vật tư, hạ tầng kỹ thuật, thực hành sản xuất, thu hoạch, chế biến, gắn với liên kết tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, về trồng trọt: sử dụng các loại giống mới thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu; tăng cường cơ giới hóa và vệ sinh đồng ruộng, phát triển các mô hình rau, hoa, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa, điều khiển từ xa. Về chăn nuôi: ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình chăm sóc, cơ giới hóa, tự động hóa vận chuyển và cung cấp thức ăn, nước uống, ứng dụng rộng rãi công nghệ chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn, xử lý chất thải kết hợp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với 03 sản phẩm chủ lực (rau, hoa, bò sữa) ứng dụng CNC; 05 mô hình doanh nghiệp/trang trại, 01 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh; đến năm 2025, có 03 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; trên 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với 03 sản phẩm chủ lực (rau, hoa, bò sữa) ứng dụng CNC; 10 mô hình trang trại/doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh.
3.4. Thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào ứng dụng CNC và nông nghiệp thông minh
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản các mặt hàng nông sản; tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp lý để có những ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục... nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào ứng dụng CNC theo hướng thông minh.
- Chú trọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm với các tổ chức của nông dân (HTX, THT) hoặc trang trại. Thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác công - tư để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo nguồn thu và điều kiện để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh.
3.5. Huy động nguồn lực đầu tư các hạng mục hạ tầng kinh tế - xã hội
- Tích cực đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tề - xã hội theo quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt bảo đảm tính thống nhất và phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững.
- Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới: vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách nguồn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các thành phần kinh tế tư nhân và trong dân cư để thực hiện các chương trình, dự án; vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách hiện hành để thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động vốn tín dụng để phát triển kinh tế, đầu tư cho sản xuất; đa dạng hóa các khoản huy động bằng tiền, đất đai, công lao động, vật liệu, máy móc thiết bị… để đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nội dung, hình thức huy động đóng góp theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo có sự đồng thuận cao của nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội.
- Trên cơ sở định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Nhà nước, cần huy động và sử dụng có hiệu quả, hợp lý mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực xã hội cùng với phát huy nội lực ở từng địa phương và trong nhân dân để thực hiện theo các mục tiêu, nhiệm vụ; cần đẩy mạnh xã hội hóa vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây trồng, quyền sử dụng đất... để tạo điều kiện giải phóng mặt bằng thi công các công trình; quá trình triển khai thực hiện luôn đảm bảo đúng các văn bản quy định của trung ương, của tỉnh và phù hợp với sức dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân tự nguyện đóng góp, dân làm và dân hưởng thụ.
3.6. Tiếp tục thực hiện thương hiệu “Đà lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gắn với xây dựng, quảng bá nhãn hiệu nông sản của huyện, nâng cao sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước
- Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp, các trung tâm phân phối, khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối để tiêu thụ sản phẩm của địa phương; tập trung lãnh đạo thực hiện việc đăng ký và sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
- Khuyến khích mở rộng hợp tác liên kết, liên doanh với nhiều hình thức hợp tác phù hợp, hiệu quả giữa mạng lưới các doanh nghiệp với các đại lý cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất. Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các dịch vụ, kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành thương mại, dịch vụ. Phát triển ngành du lịch gắn với liên kết vùng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông.
3.7. Xây dựng cảnh quan, môi trường
- Đầu tư hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Ka Đô, rác thải trong các cơ sở y tế.
- Phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư, nhà ở, tạo cảnh quan không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Tăng cường quản lý, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác khoáng sản để ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở căn cứ bộ tiêu chuẩn khung về xây dựng các mô hình mẫu tại khu dân cư để rà soát, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, có tổ chức khảo sát trao đổi học tập kinh nghiệm để phát triển nhân rộng nhằm xây dựng bộ mặt nông thôn văn minh, sạch đẹp.
3.8. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực
- Tiếp tục triển khai tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1946/QĐ-UBND ngày 25/08/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực của huyện, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0; coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lao động lành nghề, cán bộ khuyến lâm, khuyến nông phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, nhanh chóng tiếp cận và đưa khoa học, công nghệ tiến tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm tại địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức vào công tác tại các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các xã, thôn, các mô hình liên kết hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
3.9. Phát triển giáo dục, y tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân
Tăng cường công tác xã hội hóa cùng với các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao của huyện. Nâng cao chất lượng và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, gắn với công tác kiểm định chất lượng giáo dục; vận động nhân dân tự nguyện tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng.
3.10. Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và tuyên truyền, vận động
- Quán triệt cho các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên và người dân hiểu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của địa phương và các cơ quan có liên quan.
- Lãnh đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với phát huy vai trò chủ thể của người dân, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc cơ sở triển khai các nội dung xây dựng nông thôn mới ở cơ sở đáp ứng yêu cầu tiến độ, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
- Tuyên truyền, vận động phát huy tính tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ các thôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư thực sự đi vào chiều sâu bằng việc làm thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn.
- Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Phân công các cơ quan, đơn vị cử cán bộ huyện, xã phụ trách từng thôn để gần dân, sâu sát tình hình tại khu dân cư, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và cùng làm với dân để hướng dẫn nhân dân trong phát triển sản xuất, phát huy dân chủ, tham gia các phong trào thi đua xây dựng gia đình kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
- Phát động các phong trào thi đua để phát huy vai trò chủ thể và tính tích cực của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Tăng cường quản lý nhà nước trong chỉ đạo điều hành, gắn giữa công tác thi đua khen thưởng với xem xét xử lý nghiêm các hành vi đi ngược lại các chủ trương nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Tổ chức cho các thành viên Ban chỉ đạo các cấp được tham quan, học tập mô hình nông thôn mới tiêu biểu tại các địa phương để học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay về vận dụng trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
3.11. Cũng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở
Tiếp tục thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ chính trị và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị triển khai kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm gắn với trách nhiệm triển khai thực hiện nghị quyết này.
Triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2016 của Bộ chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập([3]).
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng kỹ năng, bổ sung kiến thức về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
3.12. Bảo đảm Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội
Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các doanh nghiệp kịp thời giải quyết thấu đáo những kiến nghị đề xuất chính đáng và hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc, những tranh chấp trong nội bộ nhân dân
3.13. Xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh, lộ trình thực hiện
Để thực hiện thành công đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, với quyết tâm chính trị cao nhất Huyện ủy tăng cường lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ; lộ trình thực hiện như sau:
a. Giai đoạn 2019-2020
- Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí liên quan tới môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và môi trường; phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
- Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh (Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô). Xây dựng thị trấn Thạnh Mỹ đạt chuẩn đô thị văn minh.
b. Giai đoạn 2021-2023
- Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kết hợp với thực hiện các tiêu chí kiểu mẫu. Tiếp tục phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
- Phấn đấu đến cuối năm 2023 có 7/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh (thêm 03 xã là Tu Tra, Đạ Ròn, Lạc Xuân). Các xã còn lại (Ka Đơn, Pró) hoàn thiện các tiêu chí nâng cao và tiệm cận các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên các lĩnh vực có lợi thế. Xây dựng thị trấn Dran đạt chuẩn đô thị văn minh.
c. Giai đoạn 2024-2025
- Tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kết hợp với thực hiện các tiêu chí kiểu mẫu. Tiếp tục phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
- Phấn đấu đến năm 2025 có 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã Ka Đơn, Pró đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh (08/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh).
- Huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025.
Phần thứ 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện theo chức năng nhiệm vụ, căn cứ Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 06/3/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh để xây dựng Đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai tổ chức thực hiện.
Các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan, ban, ngành và các đoàn thể huyện căn cứ Nghị quyết của Huyện ủy xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để triển khai tổ chức thực hiện.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy phối hợp theo dõi, đôn đốc, tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, định kỳ báo cáo cho Ban Thường vụ Huyện ủy để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện.
Nghị quyết này được phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và nhân dân trong toàn huyện.
[1] Trước khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đạt cao nhất là 9 tiêu chí, thấp nhất 2 tiêu chí và bình quân đạt 4,7 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 9,87% trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 29,29%. Cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 62,3 triệu đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,87%, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,81%.
[2] Trong đó ngân sách Trung ương 44 tỷ 411 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,73%, ngân sách địa phương 50 tỷ 652 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,84%, nguồn vốn lồng ghép 559 tỷ 296 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 9,25%, vốn tín dụng 5.371 tỷ 846 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 88,87%, vốn doanh nghiệp 600 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,01%, cộng đồng dân cư 18 tỷ 67 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,3%.
[3] Các Nghị quyết đã được ban hành tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII
|