MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024                                 TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023                               HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!

Phóng sự vùng căn cứ kháng chiến Ka đô, Quảng lập huyện Đơn Dương hôm qua và hôm nay In trang
19/09/2013 12:00 SA

Tháng 2/1962, Quận hành chánh Đơn Dương tỉnh Tuyên Đức mở hội nghị bàn việc tìm đất định cư đổng bào Đa Nhim bị giải tỏa để xây dựng hồ chứa nước thủy điện Đa Nhim.

Người tìm ra vùng đất có tên gọi Ka Đô hiện nay là quận trưởng Trần Lưu Dư, nguyên thủy đây là vùng rừng núi đồi dốc, sình lầy nằm phía trên vùng Ka Đô gốc người dân tộc Chu Ru đã ngụ cư lâu đời, nay là vùng Ka Đô Cũ. Đến ngày 10/10/1962, Quận trưởng Nguyễn Văn Họa ký Sự vụ văn thư số 03 bổ nhiệm các khu trưởng, khu phó đầu tiên của Ka Đô nhận nhiệm vụ đền bù, giải tỏa, chuẩn bị phương tiện đưa hơn 30 hộ dân đang cư ngụ vùng đầu nguồn và lòng hồ Đanhim vào định cư tại Ka Đô theo 3 cụm: Nghĩa Hiệp, Nam Hiệp thuộc xã Ka Đô hiện nay và Quảng Hiệp là xã Quảng Lập hiện nay. Như vậy là vùng đất Ka đô- Quảng Lập đã được hình thành từ ngày ấy.

Những hộ dân đầu tiên định cư tại Ka Đô gốc Bình Định và Quảng Nam, đa số là những gia đình đã gắn với phong trào kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tại quê hương, bị chế độ Sài Gòn đàn áp, khủng bố phải di tản lên cao nguyên Lâm Viên để trốn tránh. Nơi dừng chân đầu tiên của họ là vùng Dáp La, La Bá, Ka Nam, DaDing, Đà Con, Quảng Lạc thuộc Dran bây giờ. Khi phải giải tỏa để xây dựng đập hồ thủy điện Đa Nhim, vào định cư tại vùng đất Ka Đô, họ đã phát hiện di tích những chiến hào trong thời chiến tranh chống Pháp của quân cách mạng; chính vì vậy mà khi tổ chức cách mạng vào móc nối, đa số các gia đình ở đây đã tham gia hoạt động, gia đình thì có người thoát ly vào các đội công tác, người làm cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ, người tham gia tiếp tế lương thực nhu yếu phẩm cho cán bộ kháng chiến… Vùng Ka Đô- Quảng Lập đã trở thành khu căn cứ cách mạng, là vùng đệm nối với khu căn cứ Anh Dũng- Ninh Thuận, tiếp giáp với khu Tam Giác- Hồ Tiên là các khu căn cứ của Tỉnh ủy Tuyên Đức, Huyện ủy Đơn Dương và Thị ủy Đà Lạt.

Trong giai đoạn hình thành Ka Đô từ năm 1962 đến 1975, ngoài những chức danh khu trưởng khu phó do Quận hành chánh Đơn Dương bổ nhiệm, năm 1968 vùng Ka Đô- Quảng Lập hoàn toàn thuộc về quân giải phóng khi các trưởng ấp là người của cách mạng. Sau phong trào Mậu Thân 1968, đối phương tăng cường quân càn quét, khủng bố phong trào cách mạng nên ta lại rút vào hoạt động bí mật. Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vùng đất Ka Đô- Quảng Lập đã bị quân đội chính quyền Sài Gòn chà xát nhiều lần, nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, bị địch bắt bớ giam cầm tra tấn nhưng vẫn không tiêu diệt được mầm giống đỏ đã bám rễ tại vùng đất anh hùng này. Nhiều người dân Ka Đô- Quảng Lập vẫn còn nhớ sự kiện ngày 28/10/1972, thực hiện “Kế hoạch thời cơ” trong toàn miền Nam, đại đội 815, đội công tác K4 và lực lượng cơ quan huyện ở hậu cứ vũ trang vào Ka Đô cắm cờ, xây dựng cơ sở, giành đất với đối phương. Quân chính quyền Sài Gòn có pháo binh ở phân chi khu Thạnh Mỹ bắn chi viện bao vây đánh trả quyết liệt. Do lực lượng vũ trang của ta quá ít nên được lệnh rút lui, bộ phận cán bộ hậu cứ và đội công tác K4 không ra kịp bị địch chặn đường phải trụ lại. Địch đưa thêm quân vây chặt gọi hàng, nhưng cán bộ, chiến sỹ ta dũng cảm chiến đấu và đã hy sinh 8 người; Nơi các chiến sỹ cách mạng ngã xuống đã được nhà nước lập nhà bia ghi danh và hình ảnh những ngưòi con đã hy sinh thân mình vì lý tưởng giành độc lập tự do cho dân tộc đã được nhân dân trong vùng tưởng nhớ…

38 năm sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân vùng đất căn cứ cách mạng cũ đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục vươn lên trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ cây lúa, bắp, khoai đậu thời kinh tế tự túc tự cấp, đến cây mía đường, cây dâu tằm và cây rau thương phẩm là cả một cuộc hành trình thể hiện sự năng động trong tư duy làm kinh tế của người dân nơi đây.  

Tháng 10/1989, xã Ka Đô được tách thành 2 đơn vị hành chính là xã Ka Đô và xã Quảng Lập. Năm 1998, xã Quảng Lập được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tự hào với mảnh đất anh hùng, cán bộ và nhân dân hai xã đang nỗ lực xây dựng phát triển quê hương trở thành những nông thôn đô thị mới. Xã Ka Đô đang nằm trong top dẫn đầu của huyện về tăng trưởng kinh tế với mức 16% và thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/ người/ năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,37%. Chưa bằng Ka Đô về thế phát triển thương mại, dịch vụ, Quảng Lập vẫn là một xã thuần nông với tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 60%, nhưng Quảng Lập đang có những bước bức phá ngoạn mục trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,93%. Phát huy truyền thống của xã anh hùng, tiếp bước cha anh, những lớp thanh niên lớn lên trong thời bình đang kế tục sự nghiệp của cha ông, chung tay kiến thiết quê nhà giàu mạnh.   

Bước chân đến vùng đất phía nam sông Đa Nhim của huyện Đơn Dương hôm nay, những vị khách đã biết Ka Đô- Quảng Lập cách đây 30 năm phải ngỡ ngàng vì sự thay da đổi thịt đến không ngờ. Các tuyến đường giao thông đều thảm bê tông nhựa nóng, đường làng ngõ xóm khang trang, thị tứ nhộn nhịp; trường học, trạm xá đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; Những ngôi nhà bề thế, kiến trúc đẹp xuất hiện ngày càng nhiều hơn; ban đêm, ánh sáng điện thắp sáng lung linh cả một triền đất phía nam sông của huyện. Những thay đổi đó là thành quả của 25 năm đất nước đổi mới, cũng là sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ và nhân dân của một vùng đất anh hùng, trong chiến tranh không cam tâm khuất phục sống dưới ách nô lệ ngoại bang, trong hòa bình không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu đã chung tay tô vẽ cho bức tranh tổng thể kinh tế- xã hội của Đơn Dương ngày càng rực rỡ thêm, thoát khỏi tục danh là huyện còn nghèo, khó khăn của tỉnh Lâm Đồng./.

Minh Mạnh 

Lượt xem: 2.896

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005378984
  •  Đang online: 206
  •  Trong tuần: 20.801
  •  Trong tháng: 117.824
  •  Trong năm: 1.591.124