MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024                                 TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023                               HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!

Vai trò và trọng trách của nhà giáo In trang
14/11/2024 08:56 SA

Ngày xưa cũng như hiện nay, vai trò và địa vị của nhà giáo luôn được Nhân dân tôn trọng, đề cao; vì nhà giáo có trọng trách lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội phát triển bền vững, lành mạnh, văn minh và tiến bộ. 

Nét đẹp nhà giáo. Ảnh: Chính Thành
Nét đẹp nhà giáo. Ảnh: Chính Thành

 

Nước ta vốn có truyền thống quý báu là “hiếu học và tôn sư trọng đạo”. Từ xa xưa, ông cha ta đã nói về vị trí của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, hoặc “Nhất tự vi sư/ Bán tự vi sư”. Người thầy luôn được đề cao bởi họ là biểu tượng về chuẩn mực đạo đức, tài năng và có vai trò quan trọng trong việc hình thành những giá trị đạo đức, tri thức và nhân cách cho các thế hệ học trò. Và đến khi công thành danh toại, người ta vẫn trân trọng, biết ơn công lao dạy dỗ của thầy, cô: “Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”. Ba ngày quan trọng nhất của Tết cổ truyền dân tộc (Tết Nguyên đán), cũng được dành riêng một ngày cho người thầy “mồng 1 lễ cha, mồng 2 lễ mẹ, mồng 3 lễ thầy”. 

Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị trí của người thầy không ngừng được nâng lên ở những tầm cao về đạo đức, tri thức để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà và Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 10/1964, Bác căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…”. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tài đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đất nước trong giai đoạn mới và do đó người thầy càng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và mang trọng trách lớn.

Sở dĩ xã hội xưa cũng như nay luôn tôn trọng, đề cao vai trò và địa vị của nhà giáo và nghề dạy học là bởi nhà giáo có trọng trách lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ. Dù trải qua năm tháng và sự thăng trầm của lịch sử, của sự phát triển xã hội, nhưng vai trò người thầy và sự học vẫn luôn được Nhân dân coi trọng, tôn vinh và tin cậy gửi gắm con em để mong thầy dạy bảo nên người.

Thế kỷ XXI, loài người bước vào cuộc Cách mạng cộng nghệ lần thứ 4 (công nghệ 4.0), từ đó mở ra một thời đại mới - thời đại công nghệ số. Nếu như các cuộc cách mạng công nghệ trước đây vì do hoàn cảnh chiến tranh mà Việt Nam phải bỏ lỡ và tụt hậu, thì hiện nay trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam không thể bỏ lỡ một lần nữa, mà ngay từ đầu phải chủ động, tích cực để cùng nhân loại tiến vào cuộc cách mạng to lớn này. Có như vậy mới tự tin “đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới” (Tổng Bí thư Tô Lâm”. Tuy nhiên, có thực hiện thành công hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó trọng trách lớn đặt lên vai đội ngũ nhà giáo. Nói như vậy để thấy vai trò, trọng trách to lớn của đội ngũ nhà giáo đối với sự phát triển đi lên của đất nước.

Cách đây hơn 200 năm, nhà giáo Võ Trường Toản, nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” đã nói đến trách nhiệm và vai trò của người làm nghề dạy học, đó là : “Lương sư, hưng quốc”. Đại ý là người thầy có đạo đức, tốt bụng, yêu thương học trò, có tài trí trong nghề nghiệp, tạo ra nhiều thế hệ học trò tài đức vẹn toàn, góp phần làm cho nước nhà hùng cường, thịnh vượng. Nhà giáo Võ Trường Toản khẳng định điều đó xuất phát từ thực tế là chỉ có những vị “Lương sư” mang đầy đủ những phẩm chất ấy mới có thể tạo ra những thế hệ “hiền tài” cho đất nước, mà “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, đi lên; nguyên khí suy thì thế nước yếu, đi xuống”. Từ đó có thể khẳng định, muốn xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng thì một trong những sách lược quan trọng nhất là phải chăm lo đến đội ngũ nhà giáo - đảm bảo cho họ có thể yên tâm sống bằng chính nghề dạy học cao quý và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả “trồng người”. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Để đội ngũ nhà giáo thực sự là những “Lương sư, hưng quốc”, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo cần không ngừng tự học tập, trau dồi kiến thức, tự rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với vai trò của người thầy. Hiện nay, người thầy xứng đáng với vai trò của người thầy cần hội tụ những phẩm chất như: có kiến thức, hiểu biết rộng, toàn diện về lĩnh vực chuyên môn đảm nhận; sự phong phú, sinh động về thực tiễn; sự chuẩn mực, mô phạm về phương pháp, tác phong sư phạm, là tấm gương cho học sinh, gia đình và Nhân dân học tập, noi theo. Có như thế mới đáp ứng nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học - công nghệ, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,... Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, người thầy giáo phải hiểu biết về công nghệ, phải cập nhật kiến thức và phải có phương pháp sư phạm tốt. Nếu không có hiểu biết về công nghệ thì người thầy giáo sẽ không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó sẽ bị hạn chế về phương pháp dạy học. Không có hiểu biết về công nghệ người thầy sẽ không nhanh chóng nắm bắt những thay đổi và cập nhật kiến thức mới một cách thường xuyên và sẽ bị lạc hậu. Ngược lại, khi người thầy giáo có hiểu biết về công nghệ thì sẽ có điều kiện cập nhật, mở rộng kiến thức, cải tiến, đổi mới phương pháp sư phạm, hiểu về tâm sinh lý của học sinh nên có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng, dạy học đạt được hiệu quả cao. Đúng như những điều UNESCO đã tổng kết từ vài chục năm trước: dù bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nhiều thách thức lớn và đặc trưng văn hóa các quốc gia, dân tộc khác nhau, nhưng 3 phẩm chất “năng lực cống hiến, sức sáng tạo và trách nhiệm” của người thầy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bàn về vị trí, vai trò, trọng trách của đội ngũ nhà giáo, chúng ta càng thấu hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của nghề dạy học, từ đó càng trân trọng và biết ơn công lao to lớn của nhà giáo. Vì vậy, cần có sự trân trọng, tôn vinh, đề cao vị thế nhà giáo, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Sự trân trọng, tôn vinh không chỉ tạo động lực, khích lệ đội ngũ nhà giáo, yên tâm đảm nhận sứ mệnh cao cả và hết sức vinh quang, mà còn vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Nguồn Báo Lâm Đồng online.

Lượt xem: 137

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005376500
  •  Đang online: 136
  •  Trong tuần: 18.317
  •  Trong tháng: 115.340
  •  Trong năm: 1.588.640