Ngày 13/6, UBND huyện Đơn Dương đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06 của Chính phủ) 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Huyện Đơn Dương tăng cường các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn Đề án 06
|
|
Từ đầu năm đến nay, tổ công tác Đề án 06 của huyện Đơn Dương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06; nhất là Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong triển khai các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; thực hiện việc tra cứu, kiểm tra sử dụng thông tin trên hệ thống ngay khi công dân nộp hồ sơ, không yêu cầu giấy tờ tài liệu chứng minh về cư trú (như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân).
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia thu nhận hồ sơ Căn cước công dân/Định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Chỉ đạo lực lượng Công an huyện thường xuyên làm sạch dữ liệu dân cư, phục vụ xây dựng Đề án 06 đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống". Các ngành: Tư pháp; Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm, Y tế đã triển khai kế hoạch, phối hợp với lực lượng Công an trong việc cập nhật, làm sạch dữ liệu chuyên ngành để kết nối, phục vụ chia sẻ dữ liệu.
Đặc biệt trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính đã đẩy mạnh rà soát, củng cố và bổ sung, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bố trí máy tính có kết nối mạng internet để công dân có thể tra cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã.
Tổ chức thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh về sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, số định danh cá nhân, ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Ưu tiên sử dụng các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân không gây phiền hà cho công dân trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp nhận 7.813 hồ sơ, trong đó trực tiếp 215/7.813 hồ sơ (chiếm 3%), trực tuyến 7.598/7.813 hồ sơ (chiếm 97%), đã giải quyết 6.675/7.813 hồ sơ, (chiếm 85,43%), quá hạn 144/7.813 hồ sơ (chiếm 2%). Đối với 12 dịch vụ công thiết yếu của các ban, ngành: Cơ quan thường trực đã tham mưu văn bản số 935/UBND về báo cáo số liệu phục vụ công tác, tuy nhiên đến nay chưa nhận được báo cáo của các đơn vị. (chỉ có 3 đơn vị: Lạc Lâm, Đạ Ròn, Tu Tra gửi báo cáo). Đối với 2 dịch vụ công liên thông: trong 6 tháng đã tiếp nhận 1.017 hồ sơ, trả kết quả đúng thời gian 999 hồ sơ, đạt 98,2% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, quá hạn 18 hồ sơ.
Toàn huyện Đơn Dương đã có 10 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có thực hiện tra cứu thông tin bằng CCCD đạt tỷ lệ 100%. Triển khai thông báo lưu trú trên VNeID 10/10 cơ sở. Kết quả cập nhật, xác thực giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Hiện đã đối soát, cập nhật dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 98,69%.
Công an huyện thực hiện quyết liệt nhiệm vụ hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; cập nhật, đầy đủ, kịp thời thông tin công dân khi có thay đổi. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước có gắn chip điện tử cho 100% công dân đến độ tuổi theo quy định. Đến ngày 12/6/2024, Công an huyện đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD đối với 93.442 công dân. Đã thu nhận đối với 86.503 hồ sơ định danh điện tử.
Quang cảnh hội nghị
|
|
Về công tác tuyên truyền, UBND huyện, Tổ Đề án 06 huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lợi ích của thẻ CCCD, định danh điện tử bằng nhiều hình thức, như: xây dựng phóng sự, tin bài; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, kênh thông tin truyền thông, trên tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo, youtube), lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị, buổi tập huấn... nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao hiểu biết về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06 tại địa phương.
Hội nghị cũng thẳng thắn đánh giá các tồn tại, hạn chế như: việc triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Công tác phối hợp thông tin, báo cáo của các cơ quan, đơn vị còn chậm, ảnh hưởng tiến độ báo cáo theo quy định; Một số đơn vị chưa thật sự quyết liệt, còn tư tưởng giao khoán nhiệm vụ của Đề án 06 cho lực lượng Công an…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng đề nghị: Các ngành, cơ quan, đơn vị cấp huyện và các xã, thị trấn cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, thực hiện và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tại đơn vị mình, bảo đảm chất lượng và tiến độ được giao. Các xã cần rà soát, kiện toàn lại Tổ công tác thực hiện Đề án 06 và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để làm việc thực chất, có hiệu quả, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Riêng đối với Văn phòng HĐND – UBND huyện tham mưu thực hiện tốt số hóa hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tăng cường đôn đốc, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ Đề án của các đơn vị; hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công chức. Các phòng chuyên môn có liên quan cấp tài khoản cho người có công, thân nhân người có công, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo; đối với ngành y tế, giáo dục phấn đấu 100% cơ sở, đơn vị sự nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau để nhân dân thấy rõ được tiện ích, lợi ích thiết thực khi thực hiện Đề án 06.
Đồng chí Bí thư huyện ủy cũng đề nghị Công an huyện là cơ quan thường trực phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao tinh thần, trách nhiệm tham mưu tích cực hơn cho Tổ công tác triển khai Đề án 06 của huyện trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tham mưu thành lập 3 – 4 đoàn liên ngành đi kiểm tra, hướng dẫn cho các xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thực hiện các nội dung Đề án theo đúng tiến độ được giao.
Nguồn Báo Lâm Đồng online.
Theo link:https://baolamdong.vn/xa-hoi/202406/don-duong-quyet-tam-cao-hon-nua-trong-thuc-hien-de-an-06-d1f0d56/