Thời gian qua, huyện Đơn Dương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong việc giải tỏa hành lang an toàn đường bộ và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn huyện Đơn Dương rộng hơn, thông thoáng hơn, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, bộ mặt phố thị, lẫn thôn, xã khang trang, sạch, đẹp hơn.
Quốc lộ 27 đoạn qua huyện Đơn Dương như rộng thêm và thoáng đãng hơn
|
|
Việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, hoặc sử dụng vào các mục đích khác diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, và Đơn Dương cũng không ngoại lệ. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành chức năng luôn nỗ lực để giữ lại lòng lề đường, đảm bảo an toàn hành lang đường bộ đã gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống tận tổ dân phố, thôn, buôn, huyện Đơn Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực trong việc vận động, tuyên truyền người dân tự giác tháo dỡ các công trình như nhà cửa, hàng rào, cổng,… để trả lại hành lang an toàn đường bộ. Theo đó, ông Nguyễn Công Tấn ở xã Lạc Lâm, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã đã chủ động, tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, công trình phụ, trả lại mặt bằng hành lang an toàn đường bộ cho Quốc lộ 27. Thuê công tháo dỡ thì mất một khoản tiền khá lớn, nên ông Tấn tự mình làm lấy. Điều quan trọng nhất, ông Tấn ý thức rất tốt về việc làm của mình: “Giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường, Nhà nước phát động thì Nhân dân cũng đồng thuận thôi. Mình tự giác tháo dỡ dần, vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép thuê nhân công để làm. Tháo dỡ phần vi phạm, sau đó sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống cũng mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng nói về lợi ích lâu dài của con đường mang lại cho Nhân dân thì lớn hơn rất nhiều”.
Sau một thời gian ngắn, toàn bộ dọc tuyến Quốc lộ 27, chạy qua địa bàn huyện Đơn Dương khoảng 30 km, đã có trên 1.200 hộ dân sống 2 bên tuyến đường này tự giác tháo dỡ nhà cửa và các công trình phụ, trả lại hành lang an toàn đường bộ cho quốc lộ này mà không gặp một trở ngại nào đáng kể. Thấy Quốc lộ 27 thông thoáng, đi lại rất thuận lợi, chị Touneh Nàng, dân tộc Churu, ở thôn La Bouye A, xã Lạc Xuân phấn khởi nói: “Trước đây, đoạn Quốc lộ 27 trước nhà mình thường xảy ra tại nạn. Do đường hẹp, lại mất tầm nhìn, xe cộ qua lại nhiều, hầu như tháng nào cũng xảy ra tại nạn giao thông, có nhiều vụ rất nghiêm trọng dẫn đến chết người. Từ ngày, bà con mình sống 2 bên tự tháo dỡ những công trình vi phạm hành lang đường bộ thì tuyến đường cũng đẹp hơn hẳn, đi lại thấy an toàn hơn nên gia đình mình cũng như bà con dân tộc Churu trong buôn làng rất phấn khởi”.
Không chỉ tuyến Quốc lộ 27, mà tất cả các tuyến đường giao thông chính, như đường liên xã trên địa bàn toàn huyện đồng loạt được triển khai việc tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Điều đáng nói ở đây, là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, các đoàn thể trong thôn, tổ dân phố đến từng hộ có công trình nằm trong diện bị giải tỏa để tuyên truyền, vận động. Từ đó, người dân đã chủ động tháo dỡ công trình vi phạm. Đối với những tuyến đường liên xã này, có trên 600 hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hành lang an toàn đường bộ.
Gần 2 năm triển khai quyết liệt, đến nay, việc giải tỏa vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ tại các tuyến đường trên địa bàn huyện Đơn Dương đã đạt trên 95%. Số còn lại chủ yếu phải di dời nhà cửa, nên cần phải có thời gian bố trí tái định cư, nhằm tránh cuộc sống người dân bị xáo trộn, đảm bảo nơi ăn chốn ở ổn định cho những hộ dân phải di dời này.
Việc giữ lại hành lang an toàn đường bộ đã khó, nhưng để bảo vệ và phát huy những thành quả đó còn khó hơn. Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: “Địa bàn huyện chúng tôi có trên 24.500 hộ dân, với gần 113 ngàn nhân khẩu, trong đóng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33% dân số toàn huyện. Điều đáng nói ở đây, mọi người dân trong huyện đều hưởng ứng nhiệt tình, tự giác tháo dỡ các công trình để trả lại hành lang an toàn đường bộ. Để bảo vệ những thành quả đã đạt được, chúng tôi thường xuyên triển khai các biện pháp để không bị tái lấn chiếm như: tuyên truyền sâu rộng tới thôn buôn, tổ dân phố, giúp người dân thực hiện tốt việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Các hộ dân sống hai bên các tuyến đường phải ký cam kết không vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ. Nếu hộ nào tái lấn chiếm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm; đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Khi lòng đường, vỉa hè thông thoáng, chúng tôi tiến hành cải tạo cảnh quan môi trường, tạo nên diện mạo mới từ vùng đô thị đến nông thôn”.
Việc trả lại lộ giới, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ ở Đơn Dương rất thiết thực và ý nghĩa, chứng minh một điều chỉ cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân thì mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi, tốt đẹp.
Nguồn Báo Lâm Đồng online.
Theo link: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202401/don-duong-lam-tot-viec-giai-toa-hanh-lang-an-toan-duong-bo-9831cb1/