Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ huyện Đơn Dương, Bí thư Huyện ủy đến từng thôn, tổ dân phố gặp gỡ đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân mỗi tối hàng tuần. Trên tinh thần “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, qua các buổi tiếp xúc, những vướng mắc, khó khăn của người dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
.
|
Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng đối thoại cùng người dân |
• LẮNG NGHE DÂN NÓI
8h tối, hội trường tổ dân phố Phú Thuận 2, thị trấn D’Ran trở nên nhộn nhịp khác thường, bà con Nhân dân ai cũng háo hức vì lần đầu được tham gia buổi đối thoại trực tiếp với Bí thư Huyện ủy tổ chức tại thôn. Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các câu hỏi của người dân về các vấn đề an sinh xã hội, các chính sách mới… đều được Bí thư Huyện ủy trả lời đầy đủ, cụ thể và trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban ghi nhận, xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề mà người dân phản ánh tại buổi đối thoại.
Để buổi tiếp xúc, đối thoại có tính chất dân chủ, trọng tâm đạt hiệu quả, trước khi tiến hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã rà soát, chuẩn bị nội dung đối thoại và thông báo đến Nhân dân rõ thời gian, chủ động chuẩn bị nội dung tham gia đối thoại. Thực tế, đối thoại là để lãnh đạo vừa lắng nghe, nhưng đồng thời là trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân nhằm tháo gỡ vướng mắc giải quyết ngay từ cơ sở, tạo đồng thuận trong Nhân dân.
Bí thư Chi bộ tổ dân phố Phú Thuận 2 Nguyễn Sỹ Thận bày tỏ: Chúng tôi rất hài lòng về việc đồng chí Bí thư Huyện ủy và các ngành trả lời, giải đáp, giải quyết có tình, đúng lý các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân. Qua đây, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ hơn trách nhiệm công dân của mình và gia đình đối với hàng xóm, cộng đồng, với địa phương, nhất là chú trọng nêu gương, giáo dục con cháu chăm ngoan học tập, lao động, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Tổ trưởng tổ dân phố Phú Thuận 2 cũng chia sẻ: Những cuộc đối thoại cởi mở, cầu thị và có trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất địa phương như thế là rất cần thiết trong tình hình có nhiều vấn đề phát sinh hàng tháng, hàng năm và khi các vấn đề được giải quyết kịp thời, tâm tư nguyện vọng của người dân được quan tâm cũng là sự củng cố thêm lòng tin với Đảng và chính quyền.
Từ những buổi đối thoại trực tiếp như tại tổ dân phố Phú Thuận 2 này, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân được nắm bắt kịp thời, phát hiện những vướng mắc, phát sinh để giải quyết và nghiên cứu đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tạo điều kiện để Nhân dân phát huy vai trò giám sát, kiểm tra đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, qua đó tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
• NÓI CHO DÂN NGHE
Là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội về công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ông Lê Đình Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương cho rằng: Việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại đã thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp về trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua đối thoại, quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân được phát huy. Cùng đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân chuyển biến tích cực, nhất là việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn, từ đó tạo ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp.
Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng cho biết: Tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân và các hình thức tương tự đều thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận, là sự đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của cấp ủy, nhằm tạo đồng thuận ý Ðảng, lòng dân. Trong quá trình tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ tín với Nhân dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề, giữ uy tín của người đứng đầu. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể, mà trên hết đó là củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Có đến tận nơi, lắng nghe từng ý kiến mới hiểu được tường tận vấn đề một cách chi tiết, chân thật nhất, nghe dân nói và nói cho dân hiểu không chỉ là nhiệm vụ mà đây còn là diễn đàn, cầu nối để người dân và chính quyền địa phương tìm được sự thấu hiểu, đồng thuận.
Với tinh thần “tích cực, cầu thị, lắng nghe, hiệu quả, không hình thức”, cách làm của huyện Đơn Dương là một minh chứng sinh động về thực hành dân chủ tại cơ sở, đây được xem như là cuộc sinh hoạt, diễn đàn dân chủ và công khai, phát huy trực tiếp quyền làm chủ của Nhân dân… Và đây chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, để người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển toàn diện.
Được biết, kể từ khi triển khai buổi đối thoại, lắng nghe dân đầu tiên và cho đến nay Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng đã tổ chức 7 cuộc đối thoại, lắng nghe dân tại các địa bàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Nguồn Báo Lâm Đồng online.
Theo link: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202306/khi-nguoi-dung-dau-doi-thoai-lang-nghe-dan-7661600/