Xóa bỏ quan niệm bí thư chi bộ, trưởng thôn phải là những người lớn tuổi, những cán bộ trẻ ở các thôn, xã đã và đang dần khẳng định năng lực, sức trẻ của mình, thổi thêm sức sống mới ở các vùng nông thôn. Anh K’Bril là một trong số đó. Nhận vai trò là Trưởng thôn Kambutte, xã Tu Tra (Đơn Dương) khi mới 29 tuổi, chỉ trong vòng 6 năm, anh đã cùng bà con đưa Kambutte từ một nơi nghèo khó trở thành nơi không còn hộ nghèo.
Trưởng thôn trẻ K’Bril luôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình
|
|
Tốt nghiệp đại học, thay vì ở lại thành phố, K’Bril chọn trở về Kambutte để phát triển kinh tế, góp sức trẻ cho địa phương. “Bao năm, Kambutte quanh đi quẩn lại vẫn còn nhiều khó khăn, là người trẻ, được ra khỏi buôn làng, được đi học, may mắn hơn nhiều bạn trang lứa, vậy nên, bản thân tôi luôn thấy mình cần có trách nhiệm góp phần công sức giúp bà con có được cuộc sống tốt hơn”, anh K’Bril nói.
Siêng năng, chăm chỉ làm kinh tế và năng động, nhiệt huyết với công việc của thôn, nhiều năm về lại Kambutte, anh K’Bril luôn nhận được sự tin yêu của mọi người. Năm 2017, anh được bà con tín nhiệm, bầu giữ vai trò là Trưởng thôn.
Kambutte có hơn 180 hộ dân, tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm hơn 98%. Là người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và vốn sống, thời gian đầu nhận nhiệm vụ, anh K’Bril không tránh khỏi những áp lực, khó khăn nhất định. Quyết không phụ lòng mong mỏi của bà con, anh nỗ lực học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước và dành nhiều thời gian bám sát cơ sở, gần gũi, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân; từ đó, phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể địa phương có hướng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phù hợp. “Khó đến đâu gỡ đến đó, vì trách nhiệm, mục tiêu giúp cuộc sống của bà con bớt đi khó khăn, tôi lấy đó làm động lực để bản thân vượt qua, làm tròn vai trò của mình”, anh nói.
Dựa trên tình hình thực tế của thôn, anh K’Bril cho rằng, để cải thiện thu nhập cho người dân, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đồng thời, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. “Về chuyển đổi sản xuất, muốn bà con nghe, tin và làm theo, trước hết, bản thân phải đi đầu, làm kinh tế tốt”, anh K’Bril khẳng định.
Sau nhiều lần đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất, anh nhận thấy trồng ngô sinh khối có thể cải thiện đời sống cho bà con tại địa phương. Ngoài phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Kambutte, ngô sinh khối còn có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, không yêu cầu kỹ thuật cao, cho nguồn thu ổn định. Để bà con tin tưởng với mô hình này, anh tiên phong chuyển đổi 1,5 ha cà phê của gia đình sang trồng ngô và chăn nuôi bò; đồng thời, chủ động ký hợp đồng thu mua ngô với Công ty sữa Vinamilk để ổn định đầu ra. Thu nhập của gia đình tăng lên rõ.
Thành công với ngô sinh khối, anh nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Anh cho biết, hiện ở thôn có khoảng hơn 30 hộ trồng ngô sinh khối, tổng diện tích khoảng hơn 30 ha, đời sống, thu nhập của bà con cũng dần ổn định từ đó.
Ngoài vận động trồng ngô sinh khối, anh K’Bril còn cùng địa phương mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho bà con tham quan các mô hình chăn nuôi trang trại, khuyến khích chuyển đổi từ chăn nuôi bò vàng thả rông sang chăn nuôi bò siêu thịt nhốt chuồng; trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Để bà con yên tâm với đầu ra nông sản, anh chủ động liên hệ, liên kết sản xuất với Công ty Khoai tây ORION, PEPSI, trồng cà rốt với HTX Nam Sơn...
“Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu chuyển đổi mạnh cây trồng, vật nuôi. Thay vì chuyên canh trồng cà phê, thì nay, bà con đã chuyển sang trồng đa canh các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như ớt chuông, súp lơ, cà chua, hành...; nuôi bò 3b, bò úc, bò Charolai và áp dụng cơ giới hóa trong các khâu cày xới, thu hoạch”, anh K’Bril phấn khởi nói.
Trong vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, anh K’Bril cùng với tập thể luôn nỗ lực xây dựng chi bộ vững mạnh. Chi bộ thôn Kambutte nhiều năm liền đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hầu hết các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động, người dân đều hưởng ứng tham gia. Không chỉ đóng góp tiền của, ngày công để phủ bê tông và thắp sáng các tuyến đường liên thôn, nội đồng, bà con Kambutte còn nhiệt tình tham gia các Tổ liên gia tự quản, Tổ hòa giải. Để xây dựng nếp sống văn minh, cùng với việc loại bỏ những hủ tục, anh K’Bril cũng đã duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Từ những nỗ lực không ngừng của anh K’Bril và toàn hệ thống chính trị thôn, xã, Kambutte nay đã có nhiều đổi thay. Từ một thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, năm 2020, Kambutte chính thức không còn hộ nghèo. Đến nay, chỉ còn 3 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm. Năm 2021, thôn được huyện Đơn Dương công nhận là khu dân cư văn hóa 5 năm liền. “Kambutte đã đổi thay rất nhiều, từ nhận thức đến đời sống. Bà con có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chính là niềm vui và động lực để tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến”, anh K’Bril chia sẻ. Mới đây, anh K’Bril cũng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì những đóng góp của mình.
Nguồn Báo Lâm Đồng online.
Theo link: https://baolamdong.vn/kinh-te/202309/truong-thon-tre-kbril-943123a/