Huyện Đơn Dương đã và đang chủ động triển khai các biện pháp cấp bách phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn huyện trong mùa khô năm 2024.
Đơn Dương chủ động các giải pháp chống hạn cho vùng rau
|
|
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết: Diện tích đất canh tác đăng ký hợp đồng sử dụng nước từ công trình thủy lợi khoảng 3.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện chưa tích đầy nước. Huyện Đơn Dương hiện có 34 công trình thủy lợi vừa và nhỏ cơ bản cung cấp đủ nước tưới cho diện tích đã đăng ký trong vụ Đông Xuân là 2.300 ha. Riêng tại khu vực hạ du hồ Đơn Dương, người dân canh tác dọc hai bên bờ sông với diện tích khoảng 5.000 ha. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, UBND huyện Đơn Dương đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi xả dòng chảy tối thiểu để đảm bảo nước tưới cho sản xuất của người dân canh tác dọc khu vực hạ du hồ Đơn Dương trong thời gian tới. Huyện Đơn Dương cũng đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi về việc xả điều tiết nước hồ Đơn Dương phục vụ việc chống hạn năm 2024.
Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và cả năm 2024, huyện Đơn Dương đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm nguồn nước, đề phòng hiện tượng mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài nhất là việc tích trữ nước trong ao, hồ… Huyện Đơn Dương cũng đã giao các đơn vị chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, cụ thể để giao cho các cụm công trình và các tổ hợp tác dùng nước có kế hoạch thực hiện. Lập lịch tưới cho từng tuyến kênh từng vùng tưới của các công trình theo phương thức tưới luân phiên và thời gian tưới bằng giờ - ngày cho các công trình. Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn để đánh giá và cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của công trình đầu mối tưới (hồ, đập) cho các khu vực có nhu cầu dùng nước. Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều tiết phân phối nước ở các công trình nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho tất cả các khu vực sản xuất.
Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Đơn Dương đã chỉ đạo và Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương cũng như Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu, sửa chữa hệ thống kênh tưới. Đặc biệt, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tại các công trình phục vụ nước sinh hoạt cũng cần có biện pháp sửa chữa kịp thời để không bị gián đoạn nước sinh hoạt vào mùa khô. Bên cạnh đó, tại các công trình thủy lợi đã xây dựng và sử dụng lâu năm nên bị bồi lắng, khả năng tích nước và dẫn nước trong hồ, kênh hạn chế dẫn đến hiệu quả tưới không cao. Để phục vụ chống hạn năm 2020, các đơn vị liên quan đã tiến hành nạo vét, sửa chữa 6 công trình gồm 3 công trình nâng cấp, sửa chữa kênh ở khu vực xã Ka Đô, Ka Đơn và thị trấn Thạnh Mỹ. Nạo vét 3 hồ chứa nước gồm: hồ Pró, hồ Đạ Ròn, hồ Ma Đanh với tổng kinh phí 5,76 tỷ đồng.
Hiện tại, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Khuyến khích Nhân dân tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước. Ngoài trông chờ vào nguồn nước từ các công trình thủy lợi, nhiều người dân có diện tích sản xuất ở các khu vực có khả năng khô hạn cao đã chủ động đào giếng, khoan giếng để có nguồn nước tưới giảm thiệt hại cho cây trồng.
Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Huyện đã có chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin để người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ dân ở các khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, khi nhận định có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước cần tập trung thực hiện các biện pháp cấp nước kịp thời và đầy đủ cho người dân. Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước mưa, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.
Chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi nguồn nước tại các công trình, sông, suối để xác định khả năng cung cấp nước; từ đó triển khai thực hiện các nội dung: chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước, giải pháp ứng phó khi xảy ra thiếu nước, linh hoạt vận hành công trình để cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước tại các công trình nhằm đảm bảo theo yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2024. Phối hợp các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi và huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại các hệ thống kênh, cống lấy nước, đào ao, hồ tích trữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa các nguồn nước, tránh lãng phí.
Hiện tại, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng; Trạm Quản lý Khai thác thủy lợi Đơn Dương cũng liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, đánh giá khả năng cấp nước để điều chỉnh hợp lý phương án cấp nước khi nguồn nước thiếu hụt, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,…). Phối hợp cùng với chính quyền địa phương để xác định khả năng cung cấp nước tưới của từng công trình thủy lợi nhằm xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất hiệu quả, sử dụng dung tích chết của hồ chứa để chống hạn khi cần thiết. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung do đơn vị làm chủ đầu tư để sớm phát huy hiệu quả đầu tư; phục vụ công tác phòng, chống hạn.
Nhờ công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ từ đầu mùa khô, nên đến thời điểm hiện tại nguồn nước vẫn đang đủ đảm bảo để người dân Đơn Dương tiếp tục xuống giống cũng như chăm sóc các diện tích rau.
Nguồn Báo Lâm Đồng online.
Theo link: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202403/chu-dong-chong-han-o-vung-rau-don-duong-9e4234a/