MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024                                 TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023                               HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!

10 NĂM THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO: Nhiều đột phá mang đậm dấu ấn In trang
20/11/2023 07:49 SA

Ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Lâm Đồng đã có nhiều sự thay đổi cả ở bề rộng lẫn chiều sâu, tạo nên nhiều dấu ấn đậm nét, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Chính Thành
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Chính Thành

 

Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có những bước phát triển khá toàn diện về quy mô trường lớp, đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường đầu tư xây mới theo hướng đạt chuẩn. Việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định; phong trào thi đua yêu nước, thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục được phát huy và góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của Lâm Đồng vẫn còn những khó khăn, hạn chế như chất lượng giáo dục giữa các địa phương chưa đồng đều, giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số chưa thật sự tạo ra được sự bền vững; thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế, khó khăn; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý ở một số địa phương, đơn vị; hiệu quả phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa cao.

Chính vì điều đó, ngay sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tỉnh với gần 1.400 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã triển khai quán triệt, học tập các nghị quyết, kết luận đến toàn bộ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Không những thế, ngành Giáo dục Lâm Đồng cũng tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 29 và các văn bản liên quan đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên trong toàn ngành; 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh xây dựng kế hoạch với lộ trình, thời gian cụ thể để tổ chức thực hiện.

Nữ sinh trung học phổ thông TP Đà Lạt thướt tha trong tà áo dài đến trường. Ảnh: C.T
Nữ sinh trung học phổ thông TP Đà Lạt thướt tha trong tà áo dài đến trường. Ảnh: C.T

 

Đặc biệt, công tác tham mưu, ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đao, triển khai các chủ trương, chính sách phát triển bền vững giáo dục và đào tạo được tỉnh Lâm Đồng và ngành Giáo dục chú trọng theo từng giai đoạn. Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thực hiện việc xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Tổ chức nghiên cứu, tham mưu, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình từng năm học, đảm bảo nghiêm túc, khoa học, đúng quy định. Đảm bảo thực hiện nội dung dạy học, giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương để triển khai có hiệu quả chương trình lớp 1, 2, 3 ở tiểu học; lớp 6, 7 ở THCS và lớp 10 THPT đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Chú trọng các nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; giáo dục quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học tích cực phù hợp với chương trình phát triển phẩm chất, năng lực người học; thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số.

Kết quả nổi bật về chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã khẳng định vững chắc sự đúng đắn trong công tác triển khai Nghị quyết 29 của tỉnh và ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua

Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế của Lâm Đồng liên tục có sự thay đổi cả về chất lẫn lượng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 644 học sinh tham gia với 249 giải, trong đó tỷ lệ các giải nhất, nhì cũng được tăng lên đáng kể. Kết quả xếp hạng kỳ thi THPT quốc gia hàng năm, Lâm Đồng cũng luôn đạt thứ hạng cao, liên tục nhiều năm liền nằm trong top 20 của cả nước, với tỷ lệ đậu trên 99,50%.

Bắt đầu tư năm học 2014-2015, ngành Giáo dục và đào tạo thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo phương thức sử dụng kết quả học tập các năm học THCS để xét tuyển thay cho phương thức thi tuyển sinh trước đây. Đánh giá kết quả đào tạo theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; năng lực thực hành và khả năng thích nghi với môi trường. Từ năm 2015, triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả đó làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng thực hiện công tác tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm được chuẩn bị chu đáo và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân, giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà ở các địa phương, vùng, miền xa xôi khi phải lên các tỉnh, thành phố lớn tham dự. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về khả năng quản lý chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giáo dục, quản lý hồ sơ, góp phần cải tiến chất lượng giáo dục của từng đơn vị nói riêng và toàn ngành nói chung, kết quả này cũng luôn được công khai trên Cổng thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Mạng lưới trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh; công tác chỉ đạo thực hiện phân luồng được quan tâm, các ngành, các địa phương đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện phân luồng phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hiện có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 14 doanh nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp với 87 nghề; các nghề đào tạo nhìn chung đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh cũng như cung ứng lao động cho các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/4/2017 của Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn ngành có 21.685 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó: Cán bộ quản lý: 1.542 người; giáo viên: 17.556 người; nhân viên: 2.587 người. 

Toàn ngành hiện có 682 đơn vị trường học, giảm 24 đơn vị so với năm 2013. Tổng số học sinh năm 2023: 343.857, tăng 35.857 học sinh so với năm 2013.

Số trường học công lập được kiểm định chất lượng giáo dục: 424/604 trường đạt 70,2%. Số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia: 497/604 trường đạt 82,28% (tăng 316 trường, tăng 56,16%). Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thường xuyên được tăng cường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, tạo nền tảng phát triển giáo dục ngày một tốt hơn, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh và đời sống Nhân dân; tiến độ xây dựng, chất lượng công trình được đảm bảo. 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, có thể khẳng định chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh được nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất. Quy mô trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả tốt; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, vững vàng về tư tưởng chính trị, có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh thực hiện; phong trào dạy tốt, học tốt được phát huy; phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá được đổi mới theo hướng tích cực. 

Nguồn Báo Lâm Đồng online.

Theo link: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202311/10-nam-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-nhieu-dot-pha-mang-dam-dau-an-4761c8e/

Lượt xem: 97

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004393306
  •  Đang online: 48
  •  Trong tuần: 7.479
  •  Trong tháng: 149.339
  •  Trong năm: 605.446