MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024                                 TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023                               HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!

Nuôi trùn quế chế biến phân hữu cơ In trang
15/12/2023 08:50 SA

Trong năm 2023, Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương tiếp tục thu gom hàng trăm tấn phế phẩm rau, củ, quả đưa về phối trộn với phân chuồng nguyên liệu cho trùn quế chế biến thành sản phẩm phân hữu cơ vi sinh sạch mầm bệnh, chăm bón trở lại cho cây trồng. 

{image=1}

 

Trao đổi với Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương Phạm Thị Thanh Tuyền được biết, thời điểm mùa đông năm 2023, HTX sản xuất, tiêu thụ phần lớn sản phẩm phân trùn quế hữu cơ ép viên cho nhu cầu chăm sóc cây cảnh, hoa các loại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm được đóng mỗi gói 950 gam, có tháng đạt doanh thu bán ra 700-800 gói. Quy trình ép viên phân bón hữu cơ thành phẩm được tiến hành trong thời gian trên dưới 10 ngày. Đầu tiên chuyển một lượng phân bón trùn quế từ chuồng nuôi đưa ra kho riêng thoáng khí để giảm độ ẩm. Tiếp theo đưa qua máy sàn để loại bỏ các loại rác rồi phối trộn với men vi sinh. Cuối cùng chuyển qua máy ép viên, lưu kho giảm độ ẩm một lần nữa trước khi đóng gói thành phẩm đưa ra thị trường. 

“Quy trình chế biến phân ép viên hữu cơ trùn quế do HTX chúng tôi nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh trong thời gian gần đây. Năm đầu đưa ra thị trường vài trăm ký, chăm bón cho cây cảnh và các loại thấy có hiệu quả rõ rệt, nên năm sau đó, khách hàng đặt sản xuất khối lượng nhiều hơn. Ước tính trong năm 2023, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 3 tấn phân trùn quế hữu cơ ép viên…”, Giám đốc Phạm Thị Thanh Tuyền cho biết. 

Qua khảo sát của HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương, sản phẩm phân ép viên hữu cơ trùn quế của HTX chăm bón cây cảnh và hoa các loại mang lại dinh dưỡng khá cao để phát triển thân, cành, lá, hoa, nhất là sử dụng theo đúng liều lượng và thời gian hướng dẫn của HTX. Như bón phân ép viên cho hoa lan 6 tháng một lần, các loại cây cảnh 3-4 lần/năm. 

Nhưng sản phẩm chủ lực phục vụ nhu cầu trồng trọt bốn mùa trong năm là phân trùn quế hữu cơ vi sinh dạng bột của HTX, được sản xuất từ nguyên liệu tận dụng phế phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2023, HTX chế biến và cung cấp cho người sản xuất 160 tấn phân trùn quế hữu cơ, tăng 20 tấn so với năm trước đó. Sản phẩm đóng bao với trọng lượng 10 kg, 25 kg dạng bột, nên sử dụng khá tiện lợi. Quy trình sản xuất ở đây với nguyên liệu đầu vào bên cạnh phế phẩm rau, củ, quả còn có phân bò được ủ nóng với men vi sinh. Tùy theo khối lượng sản xuất, trong thời gian 1- 2 tuần liên tục đảo trộn nhằm đảm bảo độ ẩm tương ứng. Thả giống trùn quế vào chế biến toàn bộ nguyên liệu trong thời gian 3 tháng sẽ cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Trung bình nuôi 50 m2 sinh khối trùn quế chế biến thành 4,5-5 tấn phân hữu cơ vi sinh. Giám đốc Phạm Thị Thanh Tuyền phân tích thêm: “Phân hữu cơ vi sinh của HTX đều đạt tiêu chuẩn sạch nhờ trùn quế ăn và tiêu hóa xử lý mầm bệnh, thải ra trong nguyên liệu chế biến hàng ngày. Khi đưa vào bón cây trồng, phân hữu cơ vi sinh của HTX không chỉ bổ sung dinh dưỡng dồi dào, mà còn góp phần cải tạo đất nhờ sự sinh sôi, phát triển của đàn giun quế mới cùng các vi sinh vật có lợi khác…”.

Nếu phân trùn quế sản phẩm dạng bột bón cân đối mỗi năm 6-9 kg/cây ăn trái, hơn 800 kg/1.000 m2 rau, củ, quả thì sản phẩm dạng dung dịch mỗi tuần 2 lần sử dụng. Sản phẩm này chế biến từ chính nguyên liệu thịt trùn quế. Liều lượng hòa tan 1 lít dung dịch với 400 lít nước để bơm phun trên lá cây trồng. Đặc biệt, trong năm 2023, HTX nghiên cứu chiết xuất, đưa ra thị trường sản phẩm phân bón trà trùn hữu cơ, pha 1 lít dung dịch với 200 lít nước để bơm phun dưới gốc rau, củ, quả và các loại cây cảnh, hoa chậu, hoa cắt cành. Kết quả đã cung cấp cho người sản xuất khoảng 400 lít trà trùn trong năm 2023 này. 

Thành lập và đi vào hoạt động trong khoảng 5 năm qua, các sản phẩm phân bón trùn quế nói trên cho thấy kết quả khởi nghiệp đúng hướng nông nghiệp sạch, bền vững của HTX Phụ nữ Trùn quế ở huyện Đơn Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Qua đó HTX đã chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn quế chế biến phân hữu cơ cho hơn 20 nông hộ ở các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Trong đó, nông hộ nuôi nhiều nhất với 50 m2 diện tích sinh khối trùn quế, chế biến mỗi năm 15 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Hộ nuôi ít nhất với 10 m2 sinh khối, tương ứng với 3 tấn phân sản xuất mỗi năm. 

Mới đây, UBND huyện Đơn Dương đã thông qua kinh phí hỗ trợ HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương trang bị dây chuyền, thiết bị mới sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch đang phát triển ở địa phương. “Đây là điều kiện thuận lợi đối với HTX chúng tôi nhằm đạt mục tiêu sản xuất trong năm 2024 các loại phân trùn quế hữu cơ vi sinh gồm: 170-180 tấn phân bột; 4-5 tấn phân ép viên; 1.500 lít dung dịch; 1 tấn trà trùn”, Giám đốc Phạm Thị Thanh Tuyền chia sẻ.

Nguồn Báo Lâm Đồng online.

Theo link: https://baolamdong.vn/kinh-te/202312/nuoi-trun-que-che-bien-phan-huu-co-6512d85/

Lượt xem: 556

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005376472
  •  Đang online: 179
  •  Trong tuần: 18.289
  •  Trong tháng: 115.312
  •  Trong năm: 1.588.612