MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024                                 TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023                               HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!

Chàng thanh niên với dự án chăn nuôi bò bền vững In trang
12/12/2023 08:27 SA

Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Nguyễn Văn Lanh - chàng thanh niên ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương vẫn luôn ấp ủ dự án chăn nuôi bò bền vững để gia tăng giá trị chăn nuôi, giúp người nông dân cải thiện thu nhập. Dự án của em đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, góp phần đặt những “viên gạch” đầu tiên cho quá trình hiện thực hóa dự án của chàng trai sinh năm 1998.

Hiện, Lanh đang bước đầu thử nghiệm nuôi bò BBB theo phương pháp mới tại trang trại của gia đình
Hiện, Lanh đang bước đầu thử nghiệm nuôi bò BBB theo phương pháp mới tại trang trại của gia đình

 

Xã Ka Đơn nơi Lanh sống, ngoài trồng các loại nông sản, nông dân còn nuôi nhiều bò thịt để làm kinh tế. Quen thuộc với cây rau, con bò và luôn mong muốn phải làm điều gì đó thay đổi để nâng cao thu nhập cho người nông dân, Lanh chọn học ngành Chăn nuôi - Thú y của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. “Từ trước đó, em đã luôn xác định đi xa để học tập kiến thức rồi trở về gắn bó với quê hương” - Lanh nói. Vừa tốt nghiệp đại học cách đây vài tháng, giai đoạn này, em bắt đầu bắt tay vào thực hiện những điều mà mình ấp ủ, là xây dựng thương hiệu Bò Ka Bê - thịt bò BBB của vùng đất Ka Đơn. 

Lanh cho biết, chăn nuôi vỗ béo bò BBB đang là mô hình được nhiều hộ nông dân ở xã Ka Đơn lựa chọn trong 5 năm trở lại đây vì năng suất của giống bò này đem lại cao hơn giống bò bản địa. Tuy nhiên, việc nuôi bò BBB hiện nay chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống, chưa ứng dụng các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc khoa học. Nhất là thức ăn chăn nuôi vỗ béo bò chủ yếu là thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến theo phương pháp thủ công, chưa đủ tiêu chuẩn cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi. Việc này khiến chi phí chăn nuôi bị đẩy lên cao, tốn công sức và lãng phí nguồn nguyên liệu tại chỗ. Chính vì lẽ đó mà từ năm 2019, Lanh đã cùng các bạn của mình nghiên cứu dự án “Chăn nuôi bò bền vững tại Ka Đơn - Đơn Dương (Bò Ka Bê)”. 

Theo đó, thức ăn cho bò BBB được chế biến tận dụng nguồn phụ phẩm và nguyên liệu có sẵn tại địa phương với nhiều khẩu phần phù hợp cho từng giai đoạn, mùa vụ. Bên cạnh đó kết hợp với sản phẩm thức ăn hỗn hợp cùng quy trình chế biến ủ ấm, giúp vật nuôi nâng cao tỉ lệ tiêu hóa. Điều này giúp giảm sức lao động nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Từ đó, dự án của Lanh hướng đến việc liên kết các trại chăn nuôi bò BBB tại địa phương theo một quy trình chuẩn, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Thịt bò Ka Bê sẽ đảm bảo tiêu chuẩn để có thể có mặt tại các hệ thống siêu thị, nhà hàng, giúp người nông dân chăn nuôi một cách hiệu quả và bền vững. 

Là cựu sinh viên Khoa Chăn nuôi - Thú y, dự án của Lanh còn hướng đến việc đồng hành cùng người nông dân, thông qua đó cung cấp cho người dân sản phẩm thức ăn chất lượng, các thiết bị, dụng cụ và thuốc thú y cho các hộ trong mô hình liên kết. Khách hàng mà dự án hướng đến là những người chăn nuôi bò thịt, các giống bò chuyên thịt (bò BBB, Charolais, An Gus, Lai Sind…) tại huyện Đơn Dương, muốn chăn nuôi theo công nghệ hiện đại và hướng đến chăn nuôi bò sạch, bền vững. Mục tiêu hướng đến xây dựng và tạo ra chuỗi cung cấp thức ăn hỗn hợp giá thành rẻ kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp, thảo dược có sẵn tại từng địa phương. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt, chất lượng thịt, đảm bảo đầu vào và ổn định chất lượng đầu ra, đem sản phẩm từ trại chăn nuôi đến tay người tiêu dùng.

Để thực hiện được toàn bộ mục tiêu của dự án, Lanh vẫn còn cần một thời gian dài, cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức từ các nguồn lực. Với việc đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ 6, năm 2023 do Tỉnh Đoàn tổ chức vào hồi tháng 8 cùng dự án “Bò Ka Bê: Bò nhanh lớn - Thịt ngon hơn, chăn nuôi bò bền vững tại Ka Đơn, Đơn Dương”, mới đây, Lanh cũng là thanh niên đầu tiên của huyện Đơn Dương được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Lanh cho biết, với số tiền 200 triệu đồng, em đang có kế hoạch nuôi 10 con bò BBB với khẩu phần dinh dưỡng tự chế biến nghiên cứu. Sau đó làm thịt và phân tích chất lượng. Cùng với đó là mở trụ sở cùng với bán thức ăn và thuốc thú y cho các hộ trong chuỗi liên kết. 

“Khó khăn, thách thức thì còn rất nhiều vì mọi thứ của em bây giờ mới bắt đầu, nhưng em có niềm tin rất lớn vào con đường mà mình đã chọn, bởi dự án này đã được nung nấu rất lâu, được hoàn thiện từ sự đồng hành của nhiều thầy cô, bạn bè. Đồng thời là sự cọ xát với thực tiễn để áp dụng lý thuyết được học vào thực tế” - Lanh chia sẻ. 

Sự “cọ xát” mà Lanh nói, được chứng minh qua dự án “Hệ thống chế biến và cho ăn thức ăn tinh để vỗ béo gia súc” của em và cộng sự đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp lần 2 dành cho sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh năm 2019; hay qua các đề tài “Hiệu quả giảm phát thải khí mêtan Invitro với khẩu phần thức ăn chăn nuôi bò thịt qua các quy trình xử lý nhiệt”; “Ảnh hưởng khẩu phần tận dụng nguồn phụ phẩm địa phương và phương pháp gia nhiệt lên tăng trưởng và sức khỏe của bò lai BBB” mà em cùng các bạn đã nghiên cứu trong quá trình học tập.

Nguồn Báo Lâm Đồng online.

Theo link: https://baolamdong.vn/ban-tre/202312/chang-thanh-nien-voi-du-an-chan-nuoi-bo-ben-vung-adf1f9b/

Lượt xem: 781

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004382550
  •  Đang online: 104
  •  Trong tuần: 104
  •  Trong tháng: 138.583
  •  Trong năm: 594.690